Trong phần 2 của loạt 3 bài về chủ nghĩa Siêu thực, chúng ta tìm hiểu những thể loại còn lại của trường phái này là Nhiếp ảnh và Điện ảnh, cũng như sự trỗi dậy và thoái trào của trào lưu, từ đó dẫn tới những phát triển mang tính kế thừa trong nghệ thuật nói chung. Cuối cùng, bước đầu, ta tìm hiểu những tác phẩm Siêu thực nổi bật.“Tôi chụp ảnh một ý tưởng thay cho một đồ vật, một giấc mơ thay cho một ý tưởng.” – Man Ray (theartstory.org)
“Nếu chúng ta phải phục tùng sắc lệnh đã được ban bố bởi nhóm Siêu thực, thì sẽ gần như không có nhiếp ảnh Siêu thực hay thậm chí bất cứ phim Siêu thực đích thực nào, nhưng chủ nghĩa Siêu thực không phải là một định lý.” – Henri Cartier-Bresson
“Chủ nghĩa Siêu thực mang tính tàn phá, nhưng nó chỉ phá bỏ những gì được cho là gông cùm giới hạn tầm nhìn của chúng ta.” – Salvador Dalí
“Chủ nghĩa Siêu thực có một tác động to lớn tới tôi bởi vì nó mà tôi nhận ra rằng những hình ảnh trong trí óc tôi không phải thứ điên rồ. Siêu thực với tôi chính là hiện thực.” – John Lennon
Nhiếp ảnh Siêu thực
Nhiếp ảnh, với việc nó cho phép các nghệ sĩ dễ dàng tạo ra những hình ảnh kỳ quái, đã chiếm một vai trò trung tâm trong chủ nghĩa Siêu thực. Các nghệ sĩ như Man Ray và Maurice Tabard đã sử dụng phương tiện này để khám phá khả năng ghi vô thức, sử dụng các kỹ thuật như phơi sáng kép, in kết hợp, dàn dựng ảnh và đảo dương. Các nhiếp ảnh gia khác đã sử dụng tính năng xoay hoặc biến dạng để tạo ra những hình ảnh kỳ lạ.
Nhật thực, tháng 4 năm 1912 (L’Éclipse, avril 1912) Eugène đã truyền cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa Siêu thực tìm kiếm những khoảnh khắc bí ẩn trong nhiếp ảnh.
Những người theo chủ nghĩa Siêu thực cũng đánh giá cao việc một hình ảnh tầm thường mà được loại bỏ khỏi bối cảnh trần tục của nó và được nhìn qua lăng kính của cảm quan Siêu thực. Ảnh chụp nhanh ở địa phương, ảnh cảnh sát, ảnh phim và ảnh tư liệu đều được xuất bản trên các tạp chí Siêu thực như Cuộc cách mạng Siêu thực và Nhân ngưu (Minotaure), hoàn toàn tách khỏi mục đích ban đầu của chúng. Chẳng hạn, những người theo chủ nghĩa Siêu thực có niềm say mê với những bức ảnh chụp Paris của Eugène Atget. Được xuất bản năm 1926 trên tạp chí Cuộc cách mạng Siêu thực theo sự thúc giục của người hàng xóm của ông là Man Ray, hình ảnh của Atget về một Paris nhanh chóng tiêu tan được nhìn nhận là những góc nhìn bốc đồng. Những bức ảnh của Atget về những con đường vắng và cửa sổ cửa hàng gợi lại tầm nhìn của riêng người theo chủ nghĩa Siêu thực về Paris như một “thủ đô trong mơ”.
Vô đề (1930) của Maurice Tabard. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ
Điện ảnh Siêu thực
Chủ nghĩa Siêu thực là phong trào nghệ thuật đầu tiên thử nghiệm với điện ảnh, một phần vì nó mang lại nhiều cơ hội hơn là sân khấu để tạo ra sự kỳ quái hoặc không thực. Bộ phim đầu tiên có dấu ấn Siêu thực là Giờ nghỉ (Entr’acte) (1924), một bộ phim câm, dài 22 phút, do Rene Clair và Francis Picabia viết kịch bản, và do Clair đạo diễn. Song, nhà làm phim Siêu thực nổi tiếng nhất dĩ nhiên là Luis Buñuel. Làm việc với Dalí, Buñuel đã thực hiện các bộ phim kinh điển Con chó Andalucia (Un Chien Andalou) (1929) và Thời Hoàng kim (L’Age d’Or) (1930), cả hai đều mang dấu ấn về sự rời rạc của cách kể chuyện cùng hình ảnh kỳ dị, đôi khi gây khó chịu. Vào những năm 1930, Joseph Cornell đã sản xuất những bộ phim Siêu thực ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như Rose Hobart (1936). Salvador Dalí đã thiết kế một chuỗi giấc mơ cho Mê hoặc (Spellbound) của Alfred Hitchcock (1945).
Một cảnh trong phim Mê hoặc của Hitchcock với thiết kế hình ảnh của Dalí
Cao trào và thoái trào của Siêu thực
Mặc dù chủ nghĩa Siêu thực có nguồn gốc từ Pháp, các nhánh khác của nó có thể được tìm thấy trong nghệ thuật trên khắp thế giới. Đặc biệt trong những năm 1930 và 1940, nhiều nghệ sĩ đã bị cuốn vào quỹ đạo của nó khi biến động chính trị ngày càng gia tăng và cuộc chiến tranh toàn cầu lần thứ hai làm dấy lên lo ngại rằng nền văn minh nhân loại đang ở trong tình trạng khủng hoảng và sụp đổ. Sự di cư của nhiều người theo chủ nghĩa Siêu thực đến châu Mỹ trong Thế chiến thứ hai đã truyền đi ý tưởng của họ rộng khắp hơn nữa. Tuy nhiên, sau chiến tranh, các ý tưởng của nhóm đã bị thách thức bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hiện sinh – vốn cũng tôn vinh chủ nghĩa cá nhân nhưng lý trí hơn chủ nghĩa Siêu thực.
Trên cùng từ trái sang: Stanley William Hayter, Leonora Carrington, Frederick Kiesler, Kurt Seligmann;
Hàng giữa: Max Ernst, Amédée Ozenfant, André Breton, Fernand Léger, Berenice Abbott
Hàng cuối: Jimmy Ernst, Peggy Guggenheim, John Ferren, Marcel Duchamp, Piet Mondrian
Ảnh chụp từ triển lãm Nghệ sĩ lưu vong (Artists in Exile)'(1942)
Trong nghệ thuật, những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đã kết hợp những ý tưởng của chủ nghĩa Siêu thực và vươn lên chiếm ưu thế bằng cách tiên phong trong các kỹ thuật mới để tái hiện vô thức. Breton ngày càng quan tâm đến hoạt động chính trị cách mạng như là mục tiêu hàng đầu của phong trào. Kết quả là sự phân tán của phong trào ban đầu thành các nhóm nghệ sĩ nhỏ hơn. Những người theo Breton, chẳng hạn như Roberto Matta, tin rằng nghệ thuật vốn có tính chính trị. Những người khác, như Yves Tanguy, Max Ernst và Dorothea Tanning, vẫn ở Mỹ để tách khỏi Breton. Tương tự như vậy, Salvador Dalí rút về Tây Ban Nha, giữ vững tin tưởng vào vị trí trung tâm của cá nhân trong nghệ thuật.
Những phát triển sau này – Hậu Siêu thực
Biểu hiện Trừu tượng
Năm 1936, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York đã tổ chức một cuộc triển lãm mang tên Nghệ thuật kỳ diệu, Dada, chủ nghĩa Siêu thực (Fantastic Art, Dada, Surrealism) và nhiều nghệ sĩ Mỹ đã bị gây ấn tượng mạnh mẽ. Một số người, chẳng hạn như Jackson Pollock, bắt đầu thử nghiệm với chủ nghĩa vô thức và các hình ảnh dường như bắt nguồn từ vô thức – những thí nghiệm mà sau này sẽ dẫn đến những bức tranh “nhỏ giọt” của ông. Robert Motherwell, tương tự, được cho là đã bị “mắc kẹt giữa hai thế giới” của chủ nghĩa trừu tượng và chủ nghĩa vô thức.
Số 1A, 1948 (1948) của Jackson Pollock. MoMA, New York, Mỹ
Khúc bi thán cho cộng hoà Tây Ban Nha (Elegy to the Spanish Republic) (1965-67) của Robert Motherwell. MoMA, New York, Mỹ.
Phần lớn do biến động chính trị ở châu Âu, New York thay cho Paris đã trở thành trung tâm nổi lên của một nhóm tiền tiến mới, một nhóm mà thiên về khai thác vô thức thông qua trừu tượng, trái ngược với “những giấc mơ vẽ tay” của Salvador Dalí. Triển lãm năm 1942 của Peggy Guggenheim về các nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Siêu thực (Rothko, Gottlieb, Motherwell, Baziotes, Hoffman, Still và Pollock) cùng với các nghệ sĩ châu Âu Miró, Klee và Masson, nhấn mạnh tốc độ lan truyền của các ý niệm Siêu thực trong cộng đồng nghệ thuật New York.
Nữ quyền và nghệ sĩ nữ theo Siêu thực
Những người theo chủ nghĩa Siêu thực thường được miêu tả là một nhóm đàn ông gắn bó chặt chẽ với nhau, và nghệ thuật của họ thường mường tượng phụ nữ như những “kẻ khác” hoang dã trong một thế giới có văn hóa, duy lý. Nghiên cứu của các nhà sử học nghệ thuật nữ quyền đã sửa lại vết hằn nhận thức này, không chỉ làm bật lên số lượng phụ nữ theo chủ nghĩa Siêu thực hoạt động trong nhóm, đặc biệt là trong những năm 1930, mà còn phân tích định kiến giới tại nơi làm việc trong nhiều mảng của nghệ thuật Siêu thực. Các nhà phê bình nghệ thuật theo chủ nghĩa nữ quyền, chẳng hạn như Dawn Ades, Mary Ann Caws, và Whitney Chadwick, đã cống hiến một số cuốn sách và triển lãm về chủ đề này.
Chân dung của Không gian (Portrait of Space) (1937) của Lee Miller
Vô đề (Bàn tay và cái vỏ) (Untitled (Shell hand)) (1934) của Dora Maar. Có thể các bạn đã biết rồi, Maar là một trong những người tình của Picasso và là người mẫu cho bức Người đàn bà than khóc (Weeping Woman) (1937) nức tiếng. Trong thực tế, Dora Maar là hơn thế – bà là một nhiếp ảnh gia siêu thực đáng kể trong thời của mình.
Vô đề (chân dung phơi sáng kép) (Untitled (Double-Exposed Portrait)) (1936) của Dora Maar. Ở đây, ta có thể thấy được ảnh hưởng nhất định từ Lập thể tổng hợp của Picasso tới Maar. Tuy nhiên, với bản chất tái hiện hiển nhiên của nhiếp ảnh, đây chắc chắn là một tác phẩm Siêu thực.
Trong khi hầu hết đàn ông theo trường phái Siêu thực, đặc biệt là Man Ray, Magritte và Dalí, liên tục tập trung vào và/hoặc bóp méo hình dạng phụ nữ và miêu tả phụ nữ là những nàng thơ, giống như cách mà các nghệ sĩ nam đã làm trong nhiều thế kỷ, thì các nghệ sĩ nữ Siêu thực như Claude Cahun, Lee Miller, Leonora Carrington và Dorothea Tanning, đã tìm cách chỉ điểm lối áp dụng có vấn đề của phân tâm học Freudian mà vốn thường coi phụ nữ là quái dị và thấp kém hơn. Vì vậy, nhiều phụ nữ theo thuyết Siêu thực đã thử nghiệm phối đồ khác giới và miêu tả mình là động vật hoặc sinh vật thần thoại.
Sinh nhật (Birthday) (1942) của Dorothea Tanning. Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Philadelphia, Mỹ
Chân dung tự hoạ (1937-38) của Leonora Carrington. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ
Siêu thực Anh
Điều thú vị là nhiều nghệ sĩ nữ theo thuyết Siêu thực đáng chú ý là người Anh. Ví dụ như Eileen Agar, Ithell Colquhoun, Edith Rimmington và Emmy Bridgwater. Cách diễn giải của người Anh về hệ tư tưởng Siêu thực cụ thể ra chính là sự khám phá liên tục các mối quan hệ của con người với môi trường tự nhiên xung quanh, đặc biệt là với biển. Cùng với Agar, Paul Nash bắt đầu quan tâm đến các vật thể tìm thấy, thường là các vật phẩm được thu thập từ bãi biển. Sự tập trung vào biên giới nơi đất liền gặp biển, và nơi những tảng đá được nhân hóa giống như con người đã tạo nên sợi dây nối với bản sắc Anh và khái quát hơn, với các nguyên tắc Siêu thực về việc dung hòa và thống nhất các mặt đối lập.
Triển lãm Siêu thực Quốc tế (The International Surrealist Exhibition) (1936) được tổ chức tại London là một chất xúc tác đặc biệt cho nhiều nghệ sĩ Anh. Đứng đầu là Roland Penrose và Herbert Read, phong trào phát triển mạnh ở Anh, tạo ra các biểu tượng quốc tế Leonora Carrington và Lee Miller, đồng thời thúc đẩy việc thực hành của một nhóm nghệ sĩ quan trọng khác bao gồm Ben Nicholson, Barbara Hepworth và Henry Moore. Nhìn chung, đặc quyền của một trí tưởng tượng lập dị và sự từ chối thiết yếu các phương thức làm việc duy ý chí và tiêu chuẩn hóa đã gây được tiếng vang lớn ngay từ đầu. Thời kỳ hoàng kim này đối với nghệ thuật nói chung ở Vương quốc Anh, và cụ thể hơn là những di sản của chủ nghĩa Siêu thực ở Anh tiếp tục ảnh hưởng đến thực hành nghệ thuật của đất nước này tới ngày nay.
Các tác phẩm nổi bật
1924-25: Cuộc hội hè của hề của Joan Miró
Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Albright-Knox, Buffalo, New York
Miró đã tạo ra những không gian kỳ ảo, công phu trong các bức tranh của mình. Hình dạng mang hình thái sinh học là những hình dạng giống với các sinh vật hữu cơ nhưng khó xác định là bất kỳ vật cụ thể nào; các hình dạng dường như tự khởi sinh, biến hình và nhảy múa trên bức toan. Trong khi có gợi ý tin được về một không gian ba chiều trong tác phẩm Cuộc hội hè của hề (Carnaval d’Arlequin), các hình thù vui nhộn được sắp xếp với tính chất rộng khắp, điều mà phổ biến đối với nhiều tác phẩm của Miró trong thời kỳ Siêu thực của ông, và điều đó cuối cùng sẽ dẫn ông đến sự trừu tượng ở mức độ xa hơn nữa. Miró đặc biệt được biết đến với việc sử dụng các kỹ thuật ghi tự động trong việc tạo ra các tác phẩm, đặc biệt là vẽ nguệch ngoạc hoặc vẽ tự động, đó là cách ông bắt đầu tạo ra nhiều bức tranh sơn dầu của mình. Ông được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm mô tả những khung cảnh nội thất hỗn loạn nhưng hài hước, chịu ảnh hưởng bởi nội thất của Hà Lan thế kỷ 17.
Beedesign Advertising Printing Web Design
#Beedesign (Mr. Khung)
#Tel: 093.7979.390 / 0388.818.680 / 0948.213.608
#Email: beedesign99@gmail.com
#Advertising_Printing_Web_Design
Life's Creative - Make it better
No comments:
Post a Comment