Khi nhắc tới mỹ thuật Hà Lan, người ta thường nhớ tới họa sĩ đại tài của trường phái Hậu ấn tượng Vincent van Gogh hay những cái tên như Rembrandt hoặc Vermeer, những bậc thầy trong Kỷ nguyên vàng của hội họa Hà Lan. Nhưng đến với bài viết ngày hôm nay, hãy cùng tìm hiểu một trường phái hiện đại hơn: De Stijl. (Craig Berry, medium.com)
Ở phần 1 của bài nghiên cứu lịch sử này, ta sẽ điểm qua vài cột mốc đáng nhớ, các quy tắc cơ bản, và những nhà thiết kế lỗi lạc – những người đặt nền móng cho trường phái De Stijl.
Post NL/Studio Putgootink – De Stijl Centenary Stamps (2017)
Năm 2017 đánh dấu một sự kiện quan trọng của mỹ thuật Hà Lan: Kỷ niệm 100 năm ra đời của trường phái De Stijl. Ban đầu, trường phái này được khởi xướng bởi Theo van Doesburg, Piet Mondrian và Bart van der Leck, và sau này có thêm Gerrit Rietveld và Vilmos Huszár. De Stijl còn là tên của một tạp chí được xuất bản từ năm 1917 tới giữa thế kỷ 20. Nhân dịp đặc biệt này, các viện bảo tàng, phòng tranh và các địa điểm nổi bật tại Hà Lan đã nhanh chóng tổ chức các sự kiện đậm chất De Stijl theo nhiều cách khác nhau.
Theo van Doesburg , Piet Mondrian, Bart van der Leck, Gerrit Rietveld, Vilmos Huszár
Mục đích ra đời của trường phái này là để cách tân nghệ thuật Hà Lan vào đầu thế kỷ 20. Những họa sĩ theo trường phái De Stijl muốn tạo ra những quy tắc chuẩn mực mới, đồng thời họ còn muốn đi ngược lại với sự rối rắm, cường điệu của các trường phái nghệ thuật như Art Deco, Art Nouveau/Jugendstil và Arts & Crafts.
Nguyên tắc mỹ thuật của De Stijl rất đơn giản: Tập trung vào một hình ảnh trừu tượng và chỉ sử dụng các khối hình học kèm theo những màu sắc cơ bản. Tuy nhiên, không chỉ về mặt thẩm mỹ, De Stijl còn ẩn chứa một thông điệp xã hội sâu sắc: Loại bỏ cái ‘tôi’ của người họa sĩ và chú trọng vào sự chính xác, hòa hợp. Những người họa sĩ của phong trào De Stijl mang trên mình sứ mạng thiết lập nền móng cho thế thế hệ tương lai, hướng tới mục tiêu cải cách xã hội. Trường phái De Stijl là công cụ xóa nhòa ranh giới giữa cái gọi là “mỹ thuật” hay “nghệ thuật ứng dụng” (ví dụ như thiết kế đồ họa hoặc thiết kế sản phẩm) với kiến trúc.
Ngoài lĩnh vực hội họa, bộ quy tắc của De Stijl còn được ứng dụng trong các mảng khác như thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, typography, văn học, âm nhạc, thiết kế nội thất, thiết kế sản phẩm và kiến trúc. De Stijl chính là nguồn cảm hứng cho những cái tên nổi bật trong làng thiết kế như Le Corbusier, Deutscher Werkbund và Bauhaus – họ không chỉ góp phần thay đổi tiêu chuẩn thẩm mỹ mà còn thay đổi cả xã hội. Cũng không có gì sai nếu nói rằng De Stijl đã ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật đương đại, thiết kế và kiến trúc trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Piet Mondrian
Khi đã nhắc tới De Stijl thì đừng quên vị họa sĩ đại tài này. Trong những năm 1920, những bức tranh của ông đã đem tên tuổi của phong trào này lên một tầm cao mới. Bằng cách sử dụng một bảng màu đơn giản cùng các đường kẻ ngang dọc, ông đã định hình một phong cách nghệ thuật trừu tượng mới. Sự đơn giản và tinh tế chính là điểm nổi bật của phong cách này. Nếu chỉ nhìn sơ qua, có vẻ như những khối màu và đường thẳng không hề theo một trật tự nào nhưng thật ra mỗi bức tranh đều có một hệ thống riêng; những khối không đối xứng sẽ đi kèm với một khối màu, từ đó tạo ra một “nhịp điệu dao động”. Đối với Mondrian, các đường kẻ thẳng và ngang đại diện cho hai cực đối lập: Âm và dương, động và tĩnh, nam và nữ.
Piet Mondrian – Composition III with Blue, Yellow and White (1936)
Ông viết rất nhiều về ý tưởng này của mình, ông gọi nó là Neo-Plasticism (Nghệ thuật mới). Ông lý giải rằng hình thức nghệ thuật này đại diện cho thế giới hiện đại.
“Nghệ thuật, hay nói chính xác hơn là nghệ thuật trừu tượng chính là biểu hiện thuần khiết của tâm hồn con người. Nó không mang hình hài cụ thể – điều này đồng nghĩa với việc nó không mang trên mình những hình thái hay màu sắc tự nhiên nào cả. Mà ngược lại, hình thái và màu sắc trừu tượng sẽ giúp biểu đạt tất cả mọi thứ, chỉ cần một vài đường thẳng và các màu căn bản là đủ.”
Những bài viết của ông và các đồng sự về phong cách trừu tượng mới này được đăng trong 11 ấn phẩm của tạp chí “De Stijl” (do Theo van Doesburg sáng lập ra). Nổi tiếng nhất là bài viết “Neo-Plasticism và Nghệ thuật Hội họa”. Tạp chí De Stijl là nơi các họa sĩ thể hiện ý kiến cá nhân cũng như tập thể. Số đầu tiên của tạp chí ra mắt vào năm 1917 với ảnh bìa là cụm từ DE STIJL được tạo ra bằng các khối vuông bị phân mảnh. Tác giả của tấm ảnh bìa độc đáo này là họa sĩ Vilmos Huszar
Vilmos Huszar – De Stijl Journal Wordmark
Nhưng nếu xét trên quan điểm thiết kế, chỉ có tấm ảnh bìa này là thực sự được ‘thiết kế’ mà thôi. Những trang khác chỉ toàn là chữ và chữ. Tuy nhiên, bức ảnh bìa này là đại diện hoàn hảo cho bộ quy tắc của De Stijl. Các khối vuông thay đổi theo các hướng khác nhau, kết hợp và tạo thành một bộ typography tuyệt vời. Tấm ảnh bìa này chỉ chiếm một chỗ khiêm tốn trên bìa trước, tạo cho người xem cảm giác tối giản – một tác phẩm tuyệt vời cho ấn phẩm đầu tiên của De Stijl. Những ấn phẩm sau này được chăm chút kỹ lưỡng hơn về kiểu chữ lẫn bố cục, từ bìa cho tới nội dung bên trong.
De Stijl Journal – Issue 1
Khi nhắc tới typography và kiểu chữ, những tác phẩm của Theo van Doesburg có lẽ dễ nhận biết cũng như có ảnh hưởng to lớn nhất. Đây được xem như là tiền thân của kiểu chữ san-serif ngày nay. Được tạo ra bởi các nét cân bằng theo tỉ lệ 5×5 thành 25 hình vuông nhỏ hơn, kết quả chúng ta có một bộ chữ vuông vức và góc cạnh với các ký tự rất nổi bật như K, R và X. Theo van Doesburg đã sử dụng phông chữ này trong nhiều dự án thiết kế của mình. Về sau, phông chữ này được số hóa bởi công ty The Foundry vào năm 1997 trong sê-ri Architype Headline của họ.
Theo van Doesburg – Logo for Bond van Revolutionaire Socialistische Intellectueelen (1919)
The Foundry/Theo van Doesburg – Architype van Doesburg (1997)
Phông chữ dạng mô-đun sử dụng các nét ngang dọc như này đã được ứng dụng trong suốt nhiều giai đoạn lịch sử. Ví dụ như Wim Crouwel’s New Alphabet (phông chữ đã được số hóa bởi công ty The Foundry) cũng sử dụng quy tắc này. Mục đích của phông chữ này là “xóa bỏ mặt hạn chế của công nghệ màn hình CRT.” Trong buổi phỏng vấn với VBAT CD, Crouwel đã giải thích chi tiết như sau:
“Vào thời điểm đó, số lượng điểm ảnh trên màn hình là cực kỳ thấp. Điều này khiến các đường cong bị biến dạng. Với những ký tự có nét cong thì điều này không ổn chút nào. Vậy nên tôi đã quyết định làm ra một định dạng ký tự chỉ có đường thẳng. Đó chính là lúc tôi nghĩ tới việc tạo ra New Alphabet. Tuy nhiên bản thân tôi nhận thức được rằng thiết kế của tôi sẽ không ứng dụng được nhiều. Nó không mang tính thực tiễn – tôi chỉ xem bảng chữ cái này như một bài tập nho nhỏ cho bản thân mà thôi.”
The Foundry/Wim Crouwel – New Alphabet (1996)
Một kiểu chữ khác cũng thừa hưởng phong cách này đó là Lo-Res được thiết kế bởi Zuzana Licko. Đây là một bộ chữ sử dụng phương pháp điểm ảnh hóa để tối giản ký tự, vì vậy nó mới có tên Lo-Res (Low resolution: độ phân giải thấp). Bộ chữ này cũng không có nét cong do chỉ sử dụng các nét dọc và ngang.
Zuzana Licko – Emigre Fonts Lo-Res (1985/2001)
Sử dụng phong cách De Stijl, tác giả bài viết Craig Berry cũng đã thử sức thiết kế một bộ chữ cho riêng mình. Tên của bộ chữ này là Ronde & Scherp/Round & Sharp.
Craig Berry – Ronde & Scherp (2017)
Theo Van Doesburg là thành viên chủ chốt và đồng thời cũng là người đồng sáng lập De Stijl. Tuy nhiên, ông không chỉ gò bó những tác phẩm của mình trong những đường kẻ dọc ngang như phong cách của Mondrian. Sau này, ông tự mình phát triển thêm một phong cách mới với tên gọi Elementarism (tạm dịch: chủ nghĩa sơ bộ). Đây là nỗ lực của ông trong việc thoát khỏi khuôn khổ khắt khe của trường phái De Stijl. Bên cạnh đó, ông còn đặt tựa cho mỗi tác phẩm của mình, làm cho chúng trở nên năng động hơn – và điều này đi ngược lại với tôn chỉ sáng tác của Mondrian. Năm 1924, Mondrian đã rời nhóm vì cảm thấy những nguyên tắc De Stijl do mình đề ra không còn được coi trọng.
Theo van Doesburg – Counter-Composition V (1924), Counter-Composition VI (1925) & Simultaneous Counter-Composition (1930)
Những tác phẩm của van Doesburg luôn tràn đầy sức sống và năng lượng; chúng không chỉ đơn thuần là những đường thẳng ngang dọc vô hồn (hay có thể nói là nhàm chán). Người ta nói rằng Theo van Doesburg có hứng thú với kiến trúc và thiết kế nội thất hơn là hội họa, có thể đây chính là lý do cho việc thay đổi phong cách của ông. Ông dành nhiều sự quan tâm cho khái niệm “Gesamtkunstwerk” – một sự kết hợp giữa nghệ thuật và ứng dụng thực tiễn cho đời sống hàng ngày. Quán cà phê l’Aubette ở Strasbourg là một ví dụ điển hình cho phong cách kiến trúc của van Doesburg; nơi đây bạn có thể dễ dàng nhận thấy sự kết hợp giữa các đường chéo và khối vuông đã tạo nên một không gian nội thất cực kỳ đặc biệt.
Theo van Doesburg – Café l’Aubette – Strasbourg (1926)
Trong thời kỳ hoàng kim của De Stijl, van Doesburg đã đi khắp Châu Âu để truyền tải thông điệp của trường phái và đóng va trò như một đại sứ hình ảnh. Trong chuyến đi của mình, ông cũng đã học hỏi và tham gia vào các trường phái khác như Dadaism thông qua họa sĩ Kurt Schwitters, Constructivism thông qua họa sĩ El Lissitsky và Bauhaus thông qua họa sĩ Walter Gropius.
Kurt Schnitters, El Lissitsky, Walter Gropius
Tuy nhiên, Groupius và các đồng sự lại không muốn cộng tác với van Doesburg vì thấy các quy tắc mỹ thuật của hai bên không thống nhất. Thất vọng vì điều này, van Doesburg quyết định mở một học viện ngay gần trụ sở của Bauhaus và chiêu mộ những môn sinh có hứng thú với tư tưởng cấp tiến của De Stijl. Chính điều này đã giúp cho trường phái của ông đến được với nhiều người hơn, nhưng cũng từ đây mà De Stijl dần đi chệch khỏi những quy tắc vốn có của mình.
Theo van Doesburg – Satirical comment on the Bauhaus (1921)
Piet Mondrian và Theo van Doesburg là hai họa sĩ nổi tiếng cũng như có ảnh hưởng nhất của De Stijl (bên cạnh đó còn có Rietveld nhưng ông thiên về kiến trúc và thiết kế sản phẩm nhiều hơn). Vào năm 1983, Bưu điện Hà Lan, PPT đã ra quyết định tôn vinh trường phái nghệ thuật hiện đại kinh điển De Stijl bằng những con tem. Wim Crouwel, biểu tượng của ngành thiết kế đồ họa Hà Lan lúc bấy giờ, đã được giao nhiệm vụ hoàn thành dự án này. Những con tem này đã trở thành một trong những tác phẩm mang phong cách tối giản tuyệt vời nhất của Wim.
“Ban đầu, tôi tính sử dụng phông chữ của van Doesburg, một họa sĩ của De Stijl. Nhưng sau cùng tôi chọn phông chữ hài hòa nhất cho thiết kế của mình, Helvetica. Bởi vì tôi nhận thấy chỉ cần hình minh họa là đủ để đại diện cho De Stijl rồi.”
Wim Crouwel – De Stijl Stamps (1963)
Gary Hustwit – Helvetica – Wim Crouwel Interview (2007)
Gerrit tham gia De Stijl năm 1918/19, nhà thiết kế và kiến trúc sư tài ba này nổi tiếng với phong cách độc nhất và táo bạo với tác phẩm Red and Blue Chair/Rood–Blauwe Stoel. Bộ ghế này được thiết kế với “một sự tương tác kịch tính giữa các đường thẳng”, các đường thẳng kết nối với nhau để tạo ra hình thái. Gerrit Rietveld tin rằng tầm quan trọng trong thiết kế của tác phẩm lớn hơn so với việc lựa chọn chất liệu. Chiếc ghế với những màu sắc đơn giản này chính là một trong những tác phẩm 3D đầu tiên của De Stijl. Nó không được thiết kế để ngồi, mà thay vào đó nó phản ánh nội tâm cá nhân. Rietveld đã nói về tác phẩm này như sau:
“Chiếc ghế này chứng minh cho mọi người thấy rằng chỉ cần một vài bộ phận đơn giản cũng đủ để tạo ra một tác phẩm tuyệt vời.”
Gerrit Rietveld – Zig Zag Chair (1934), Red-Blue Chair (1917) & Berlin Chair (1923)
Bên cạnh đó, ông còn cho ra đời rất nhiều kiểu dáng khác nhau cho những chiếc ghế của mình. Những thiết kế này thực sự rất phá cách ngay cả trong thời hiện đại. Là một kiến trúc sư, tác phẩm nổi bật nhất của ông phải kể đến căn nhà Rietveld Schröderhuis (tọa lạc tại Utrecht) được thiết kế vào năm 1924 cho bà Truus Schroder-Schrader. Nội thất của căn nhà giống như một cỗ máy vậy, mọi thứ có thể dễ dàng di chuyển và thay đổi cho phù hợp với mục đích sử dụng của gia chủ.
Công trình này được ví như một bức họa mang phong cách Mondrian. Mục đích của Gerrit Rietveld khi thiết kế căn nhà là “mang lại ý nghĩa cho một không gian chưa hoàn chỉnh”. Vào ban ngày, đây là một không gian mở thoải mái và sáng sủa. Vào ban đêm, những tấm vách ngăn phòng sẽ tạo ra nhiều căn phòng nhỏ riêng tư và kín đáo.
“Phong cách kiến trúc của De Stijl không hề bị gò bó trong những khuôn khổ thông thường. Thay vì cố gắng nhồi nhét khoảng không gian trong một khối lập phương, tại sao không để chúng tự do thay đổi ngay từ trung tâm.”
Gerrit Rietveld – Rietveld Schroderhuis (1924)
Kết thúc phần 1, ta đã hiểu hơn con đường hình thành của trường phái De Stijl, những cái tên, con người và cá tính góp phần giúp De Stijl để lại dấu ấn mạnh mẽ trong dòng chảy mỹ thuật thế giới. Hãy đón đọc phần 2 của bài viết để ghé thăm những thành phố lớn của Hà Lan, nơi trường phái De Stijl đã để lại dấu ấn của mình trong suốt 100 năm hình thành và phát triển.
Beedesign Advertising Printing Web Design
#Beedesign (Mr. Khung)
#Tel: 093.7979.390 / 0388.818.680 / 0948.213.608
#Email: beedesign99@gmail.com
#Advertising_Printing_Web_Design
Life's Creative - Make it better
No comments:
Post a Comment