Bạn là nhân vật kiệt xuất nào trong Tam Quốc?

Người Tàu nói: trẻ tuổi thì thích Tào Tháo, trung tuổi thì thích Tư Mã Ý, trưởng thành thì phục tài Lưu Bị.

Cái tài của Tào Tháo là khả năng đánh giá cơ hội vô cùng sắc bén, trong mỗi sự việc, mỗi mối quan hệ, mỗi con người. Nhìn thấy được, nhưng Tháo còn giỏi mổ xẻ phân tích thiệt hơn, cân đong chính xác. Rồi đem ra đàm phán thẳng mặt. Những người ham tranh hơn tranh lợi sẽ thua hay sẽ bị Tào Tháo thu phục. Tài của Tào Tháo giống cái tài của tay buôn bán lọc lõi, tích cóp được nhiều của lả nhưng thiếu hệ thống.

Nghĩ về Tư Mã Ý thì thấy sự cơ mưu, khả năng nhìn thấu sâu sa vấn đề, hoàn cảnh, và sự kiên nhẫn chờ thời, chọn đúng thời điểm. Cho nên cuộc đời Tư Mã Ý, trẻ thì né được Tào Tháo, trên đường dựng nghiệp, trong thì lừa được Tào Sảng, ngoài thì cự được Gia Cát Lượng, tạo nền móng cho con cháu dựng lên nhà Tây Tấn. Có thể nói Tư Mã Ý là nhà chiến lược thâm hậu xuất chúng.

Về Lưu Bị, đầu tiên phải nói tới ông ta là người duy nhất xưng hoàng đế khi còn sống, điều mà cả Tào Tháo và Tư Mã Ý đều không làm được. Xuất thân nghèo khó, đan giày dệt chiếu, mà đạt chính danh hoàng đế, ngảnh về nam xưng cô quả, thu phục nhân tâm và nhân tài, người tài vây quanh đông đúc.

Lưu Bị tuy nghèo nhưng chịu khó học hỏi, rèn luyện tài năng và phẩm chất, nên luôn giữ đương phong thái đĩnh đạc tự nhiên. Dù đi theo rất nhiều người nhưng luôn độc lập về suy nghĩ và hướng đi, đồng thời không phản bội hay mất lòng ai. Tài năng và phong cách cao quý cộng thêm khả năng xây dựng hình ảnh hoàng thúc để thu phục người tài. Bản thân có tài nhưng luôn khiêm thu, khoan hòa, hạ mình để chiêu nạp người tài, những người rất có thực lực như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu, Khổng Minh, Pháp Chính, và rất nhiều nhân tài khác.

Tài năng, phẩm hạnh, ý chí, khả năng thu phục, sự bền bỉ theo đuổi sứ mệnh, đã đưa Lưu Bị thành một người lãnh đạo toàn diện, từ xuất thân bần hàn thành hoàng đế trong sự nghiệp.

Người lãnh đạo giỏi thì giỏi cả về chiến lược và tổ chức con người, để đạt được thành quả cao. Tuy nhiên tài cao quá thì người ta sợ, nước trong quá thì k có cá. Để thu phục nhân tâm thì không ít lãnh đạo sẽ chọn che giấu tài năng, tỏ ra thô vụng để hòa đồng kết nối, như Lão Tử gọi là đại chí nhược ngu. Mặt khác, đặc điểm của người tài là chỉ thích đi theo người tài hơn mình, chứ k ai đi thờ anh hèn giả vờ khiêm nhu. Vậy nên, lãnh đạo giỏi là giả ngu với người giỏi mà người giỏi k dám khinh. Xưng được hoàng đế trong thời loạn thì tài năng Lưu Bị cũng kém gì Lưu Bang.

Sĩ tốt thì tranh tài, so tài. Người lãnh đạo so nhau ở khả năng qui tụ và thu phục nhân tài. Tào Tháo có đôi mắt tinh anh và tư duy sắc bén, nắm được thời ở cái thế đứng giữa triều đình, nên La Quán Trung nói Tháo có thiên thời. Lưu Bị biết kết nối, hòa đồng, thu phục, thu hút nhân tâm và nhân tài, tay trắng xưng đế, là nhờ có nhân hòa. Muốn thu phục được người khác phải thu phục và rèn giũa kỹ bản thân trước, tạo nên sức ảnh hưởng, thu hút nhân tài đi theo tầm nhìn chiến lược, tạo nên sự nghiệp. Tài như Tào Tháo thì rất có sức hút, vì cãi đâu thắng đó, rờ đâu được đó, trừ một số trận quyết định. Trở thành thiên tử thì không tranh cãi hơn thua nhiều, chỉ tìm những tương đồng và gắn kết, hướng theo mục tiểu tổng thể.

Kinh doanh bán hàng thì không thể học theo Lưu Bị mà học theo Tào Tháo. Tư duy chiến lược, xây dựng chiến lược thì học theo Tư Mã Ý, kiến tạo tổ chức đi theo tầm nhìn chiến lược thì có thể học nhiều hơn từ Lưu Bị. Mỗi giai đoạn phát triển cá nhân hay tổ chức đều có thể tìm thấy sự tương đồng hay học hỏi từ một ai đó, mà không nhất thiết phải chạy theo mãi một hình mẫu. (Đỗ Tiến Long)
Beedesign Advertising Printing Web Design
#Beedesign (Mr. Khung) 
#Tel: 093.7979.390 / 0388.818.680 / 0948.213.608
#Email: beedesign99@gmail.com   
#Advertising_Printing_Web_Design
Life's Creative - Make it better

No comments:

Post a Comment

Copyright©1999- | Beedesign